1. Đối tượng, đơn vị dự thi
* Đối tượng:
- Sinh viên khóa 40 đang học tập ở Khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐHSP Hà Nội 2.
* Đơn vị dự thi: Mỗi lớp K40 A, B, C, D, E là một đơn vị dự thi (tổng số 5 đội thi).
2. Thời gian, địa điểm thi
- Thi giảng: 8h00 ngày 03/01/2018; Tại Giảng đường E.
- Thi các nội dung còn lại 14h00 ngày 04/01/2018; Tại Hội trường lớn.
3. Các nội dung thi Nghiệp vụ Sư phạm
3.1. Màn Chào hỏi
3.2. Hiểu biết sư phạm
3.3. Xử lý tình huống sư phạm
3.4. Hùng biện
3.5. Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo
3.6. Thi giảng
4. Một số quy định chung
- Số lượng sinh viên dự thi: Mỗi đội được chọn cử tối đa là 15 sinh viên.
- Đối với nữ: áo dài, giầy hoặc dép có quai hậu.
- Đối với nam: quần âu, áo sơ mi, cà vạt, áo bỏ trong quần, giầy hoặc dép có quai hậu.
- Đối với các nội dung thi sân khấu hóa, sinh viên được mặc trang phục phù hợp theo nội dung thể hiện.
5. Yêu cầu đối với các nội dung thi
Nội dung thi phải đảm bảo:
- Phản ánh được các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường ĐHSP Hà Nội 2, Khoa Giáo dục Tiểu học về nội dung, chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học.
- Phản ánh được các đặc trưng của ngành sư phạm; thể hiện được các kiến thức, kỹ năng và năng lực nghề nghiệp của nhà giáo tương lai trong việc xử lý các quan hệ:
+ Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh;
+ Mối quan hệ giữa học sinh với nhau;
+ Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh;
+ Mối quan hệ đồng nghiệp;
+ Mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
- Phản ánh được các cuộc vận động và phong trào thi đua hiện nay của ngành giáo dục;
- Phản ánh được các vấn đề về giáo dục mà xã hội đang quan tâm: văn hoá học đường; đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa, thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học và phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực…
6. Hình thức, yêu cầu đối với các nội dung thi
6.1. Màn Chào hỏi
- Hình thức thi: Mỗi đội (tối đa 12 người xuất hiện đồng thời trên sân khấu) trình diễn một màn chào hỏi.
- Nội dung: Giới thiệu các hoạt động nổi bật của Khoa, Trường về đào tạo, nghiên cứu khoa học, quy mô tổ chức... và giới thiệu được thành viên đội dự thi.
- Yêu cầu:
+ Phải thể hiện tính tập thể, trí tuệ, văn hoá, sáng tạo, sinh động, ấn tượng, phong cách sư phạm, trang phục hợp lý, diễn xuất hấp dẫn.
+ Kịch bản có cốt truyện mạch lạc, rõ ràng, có tính tuyên truyền, giáo dục cao, không máy móc trong các nội dung giới thiệu về đơn vị.
+ Thời gian: 5 phút, quá 01 phút trừ 01 điểm.
6.2. Hiểu biết sư phạm
- Hình thức thi: Trả lời câu hỏi trắc nghiệm. Câu hỏi do Ban tổ chức lựa chọn đề xuất, tổng hợp. Lần lượt từng tốp 2 hoặc 3 đội (mỗi đội 5 người, 5 tốp thi: 3 tốp 3 đội và 2 tốp 2 đội) theo thứ tự bắt thăm sẽ cùng trả lời 10 câu hỏi trắc nghiệm. Bộ câu hỏi do đại diện thí sinh của một trong các đội cùng thi bắt thăm, trả lời bằng cách giơ đáp án (sau mỗi câu hỏi các đội có 15 giây chuẩn bị, có 5 giây để đưa ra đáp án).
6.3. Xử lý tình huống sư phạm
- Hình thức thi: Thi theo tốp (mỗi đội 5 người, 5 tốp thi: 3 tốp 3 đội và 2 tốp 2 đội). Từng tốp sẽ thi trực tiếp với nhau theo hình thức: Mỗi đội nêu một tình huống sư phạm yêu cầu đội bạn đưa ra cách xử lý, sau khi đội bạn trả lời, đội nêu tình huống sẽ đưa ra đáp án của đội mình. Các đội sẽ thi lần lượt theo thứ tự bắt thăm.
- Yêu cầu:
+ Các đội tự chuẩn bị đề thi (câu hỏi, tình huống) và đáp án. Chủ động có phương án dự phòng trong trường hợp đội thi trước có đề trùng với đề thi của đội mình.
+ Mỗi đội chuẩn bị 2 bản đánh máy nội dung câu hỏi tình huống sư phạm: 01 bản dành cho đội bạn, 01 bản để dùng chiếu trên sân khấu khi thi (câu hỏi tình huống sư phạm được đánh máy font chữ Times New Roman cỡ chữ 20).
+ Thời gian: Sau khi đội bạn đưa ra câu hỏi, mỗi đội có 02 phút thảo luận trước khi trả lời. Trả lời trong thời gian không quá 3 phút. Nếu vượt quá thời gian quy định sẽ bị trừ điểm theo nguyên tắc: quá mỗi phút trừ 01 điểm.
6.4. Hùng biện
- Hình thức thi: Mỗi đội chọn cử 1 thí sinh trình bày một trong các chủ đề hùng biện tự chọn (có thể có minh họa, phụ họa).
Gợi ý một số chủ đề sau:
Chủ đề 1: Sinh viên sư phạm đối với nghề dạy học.
Chủ đề 2: Sinh viên sư phạm với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Chủ đề 3: Sinh viên sư phạm với giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Chủ đề 4: Sinh viên sư phạm đối với vấn đề bạo hành trẻ em.
Chủ đề 5: Sinh viên sư phạm với cuộc sống số, mạng xã hội...
Chủ đề 6: Sinh viên sư phạm với giáo dục đặc biệt.
Chủ đề 7: Sinh viên với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…
Ngoài các chủ đề trên, thí sinh có thể tùy chọn chủ đề khác mà mình quan tâm.
- Thời gian: Mỗi thí sinh được chuẩn bị trong thời gian 01 phút và được trình bày trong thời gian tối đa là 05 phút. Nếu vượt quá thời gian quy định sẽ bị trừ điểm theo nguyên tắc: quá mỗi phút trừ 01 điểm.
6.5. Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo
- Hình thức thi: Mỗi đội thiết kế một hoạt động trải nghiệm sáng tạo và thể hiện hoạt động trải nghiệm đã thiết kế trên sân khấu trong thời gian không quá 20 phút (ưu tiên thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong một môn học cụ thể).
- Yêu cầu: Lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp để đạt được mục tiêu giáo dục (phẩm chất, năng lực). Một số hình thức hoạt động TNST: Hình thức có tính khám phá (thực địa, thực tế, tham quan, cắm trại); hình thức có tính triển khai (dự án và nghiên cứu khoa học, hội thảo, câu lạc bộ); hình thức có tính trình diễn (diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa); hình thức có tính cống hiến, tuân thủ (thực hành lao động việc nhà, việc trường, hoạt động xã hội – tình nguyện).
6.6. Thi giảng
- Hình thức thi: Mỗi đội cử 01 thí sinh thi giảng theo môn đăng ký trước Mỗi thí sinh tham gia dự thi sẽ dạy 01 tiết trên lớp học giả định (có sinh viên trong cùng đơn vị dự thi đóng vai học sinh).
- Yêu cầu: Thời gian bài giảng: 35 phút
7. Tiêu chí chấm điểm các phần thi NVSP
7.1. Màn Chào hỏi
- Nội dung: có tính tập thể, trí tuệ, văn hoá, sinh động và ấn tượng. Giới thiệu được các hoạt động nổi bật của đơn vị mình về: học tập, văn nghệ - thể dục thể thao...; giới thiệu được các thành viên trong đội dự thi.
- Diễn xuất: hấp dẫn, linh hoạt. Ngôn ngữ, cử chỉ thể hiện phong cách sư phạm. Trang phục đẹp, phù hợp.
- Kịch bản có cốt truyện mạch lạc, rõ ràng, có tính tuyên truyền, giáo dục cao, không máy móc trong các nội dung giới thiệu về đơn vị.
7.2. Hiểu biết sư phạm
Chọn được phương án chính xác.
7.3. Xử lý tình huống sư phạm (khuyến khích nhập vai)
a) Câu hỏi tình huống sư phạm và đáp án
- Nội dung tình huống mang tính thực tiễn hoặc mang tính giả định, thể hiện đúng mối quan hệ sư phạm đã quy định tại Điều 5, Điều lệ thi NVSP, phù hợp với thực tiễn giáo dục trong các trường sư phạm, trường phổ thông hiện nay.
- Nội dung tình huống chứa đựng mâu thuẫn, chứa đựng vấn đề cần giải quyết ngay.
- Tình huống có tính phức tạp, độc đáo.
- Tình huống có tính chất mở và có nhiều phương án giải quyết.
- Cách nêu tình huống rõ ràng, mạch lạc, cung cấp đủ thông tin cho đội bạn. Ngôn ngữ diễn đạt dễ hiểu, ngắn gọn, lôgic, văn phong mang tính sư phạm.
- Đáp án xử lý khoa học mang tính khả thi, cách xử lý có tính thuyết phục:
+ Xác định mâu thuẫn cơ bản, nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn;
+ Thể hiện phương án giải quyết phù hợp, sáng tạo;
+ Ngôn ngữ ngắn gọn, rõ ràng, biểu cảm, giàu sức thuyết phục;
+ Đảm bảo nguyên tắc giáo dục, nêu cơ sở tâm lý học sư phạm.
b) Xử lý tình huống sư phạm
- Nội dung xử lý tình huống nhằm giải quyết đúng mâu thuẫn và vấn đề đặt ra; có tính giáo dục cao, nhân văn, hợp lý, phù hợp với tâm lý đối tượng.
- Thể hiện phương án giải quyết bằng lời nói, hành vi, thái độ, cảm xúc phù hợp;
- Ngôn ngữ ngắn gọn, rõ ràng, biểu cảm, dễ hiểu, giàu sức thuyết phục đối với người nghe;
- Tư thế tác phong mang tính sư phạm, phong thái bình tĩnh, tự tin, làm chủ trong xử lý tình huống;
- Đảm bảo nguyên tắc giáo dục, dựa trên cơ sở tâm lý học sư phạm phù hợp với đặc điểm đối tượng, tôn trọng đối tượng giao tiếp:
+ Phản ứng nhanh, khéo léo, tinh tế, thông minh, sáng tạo, sát thực tiễn.
+ Cơ sở của phương án đã lựa chọn khoa học, logic, giàu sức thuyết phục, đảm bảo nguyên tắc giáo dục, cơ sở tâm lý học sư phạm.
+ Hiệu quả của phương án được lựa chọn có tác dụng lâu dài, tạo tiền đề cho các hoạt động giáo dục tích cực khác
7.4. Hùng biện
a) Nội dung
- Đảm bảo các nội dung:
+ Khái quát về chủ đề: quan điểm chung, thực trạng, nguyên nhân, giải pháp.
+ Vai trò của sinh viên sư phạm đối với vấn đề đã nêu.
+ Suy nghĩ, hành động, thái độ tích cực cần rèn luyện và phấn đấu của sinh viên sư phạm và thông điệp.
- Yêu cầu của nội dung:
+ Thuyết phục và sinh động.
+ Logic, lập luận chặt chẽ, sâu sắc, làm nổi bật các khía cạnh của vấn đề.
+ Ngôn ngữ diễn đạt tự nhiên, ngắn gọn, phù hợp với đối tượng nghe, thể hiện rõ sự giao lưu với khán giả.
+ Đặt vấn đề, giải quyết và kết thúc vấn đề trọn vẹn, độc đáo, ấn tượng.
b) Hùng biện
- Giọng nói: rõ ràng, lưu loát, không ngọng, hùng hồn, truyền cảm, hấp dẫn.
- Tư thế tác phong: di chuyển hợp lý, dáng vẻ tự nhiên, động tác hỗ trợ phù hợp.
- Nét mặt: biểu cảm, hướng vào đối tượng nghe, thể hiện sự giao lưu với người nghe, cuốn hút và thuyết phục khán giả.
- Tự chủ, kiên định, tự tin, không bị các yếu tố khác chi phối.
- Trang phục: đúng qui định, gọn gàng, đẹp.
7.5. Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo
7.5.1. Phần thiết kế hoạt động
a) Hình thức
Trình bày khoa học, rõ ràng, hợp lý; đảm bảo tính thẩm mỹ.
b) Nội dung
- Tên và quy mô hoạt động: ngắn gọn, rõ ràng; phù hợp với mục tiêu giáo dục, tạo ấn tượng tốt, hấp dẫn học sinh.
- Mục tiêu hoạt động: xác định đúng, rõ ràng, cụ thể mục tiêu phẩm chất và năng lực học sinh cần đạt thông qua hoạt động đó.
- Xác định rõ tổng thời gian, địa điểm tổ chức; số lượng, thành phần tham gia.
- Mô tả các hoạt động thành phần:
+ Nêu tên từng hoạt động: ngắn gọn, rõ ràng, hấp dẫn.
+ Xác định mục tiêu đúng, rõ ràng, cụ thể về phẩm chất và năng lực của từng hoạt động.
+ Xác định nội dung từng hoạt động: rõ ràng, phù hợp với tên, mục tiêu hoạt động, phù hợp với lứa tuổi và điều kiện tổ chức.
+ Hình thức hoạt động: phù hợp với nội dung, quy mô tổ chức, phù hợp với lứa tuổi.
+ Thời gian: xác định rõ thời gian từng hoạt động cụ thể.
+ Nguồn lực: lực lượng tham gia, xác định được công việc chuẩn bị của giáo viên và học sinh (HS), của các lực lượng khác (nếu có), phương tiện hoạt động, cơ sở vật chất thiết yếu, tài chính, ...
- Mô tả tiến trình triển khai các hoạt động thành phần: hợp lý, lôgic, hướng vào mục tiêu hoạt động.
- Tổng kết, đánh giá hoạt động: khái quát được nội dung cơ bản cần tổng kết, đánh giá và xác định rõ phương pháp, sử dụng công cụ đánh giá phù hợp, khách quan.
- Các thuộc tính của bản thiết kế: tính khả thi, tính sáng tạo, tính tương tác, tính chủ thể.
7.5.2. Phần trình diễn trên sân khấu
Mô phỏng hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã được thiết kế (có thể mô phỏng trọn vẹn cả hoạt động hoặc trích một nội dung, 1 phần của hoạt động).
- Yêu cầu:
+ Trình bày ấn tượng, hấp dẫn, trang phục phù hợp.
+ Trình diễn các hoạt động thành phần hợp lý, lôgic, hướng vào mục tiêu hoạt động, tính tương tác giữa các hoạt động cao, thu hút người tham gia, hợp tác, dí dỏm, sáng tạo.
- Đánh giá: Tổng kết mỗi hoạt động hấp dẫn, khách quan, nêu bật được mục tiêu của hoạt động, sự trải nghiệm và sáng tạo của học sinh trong và sau khi tham gia hoạt động.
Thời gian trình bày: 15 phút cho mỗi đội thi
7.6. Thi giảng
a) Chuẩn bị
- Thiết kế bài dạy: sạch đẹp, chi tiết, rõ ràng; xác định rõ ràng đầy đủ các mục tiêu của bài học (kiến thức, kỹ năng, thái độ); xác định rõ mục đích yêu cầu của mỗi hoạt động chính.
- Phương tiện dạy học: phù hợp với nội dung bài giảng, đảm bảo yêu cầu sư phạm; đảm bảo tính khoa học, thẩm mĩ, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi.
b) Nội dung
- Bài giảng đáp ứng các mục tiêu, đầy đủ nội dung, logic, thể hiện được nội dung kiến thức trọng tâm.
- Nội dung kiến thức chính xác, khoa học; liên hệ thực tiễn, cập nhật kiến thức mới phù hợp với chủ đề.
- Thể hiện sự phân hóa, phù hợp với khả năng của HS;
- Phát huy được trí tưởng tượng, sáng tạo, tư duy của HS;
- Tích hợp được các nội dung giáo dục (đạo đức, giá trị, kỹ năng sống, hứng thú, niềm tin...).
c) Phương pháp
- Sử dụng và phối hợp các phương pháp/kỹ thuật dạy học phù hợp với đặc trưng bộ môn, với nội dung bài giảng.
- Biết vận dụng phương pháp/kĩ thuật dạy học tích cực, biết khai thác kinh nghiệm, kiến thức đã có ở HS nhằm đạt mục đích yêu cầu của hoạt động.
- Kết hợp linh hoạt sáng tạo các phương pháp, biện pháp trong các hoạt động, tạo được hứng thú học tập cho HS.
- Phát triển các năng lực của người học.
- Sử dụng hợp lý các phương pháp thu thập thông tin phản hồi về mức độ nhận thức của HS.
- Sử dụng hợp lý, hiệu quả, kết hợp tốt các phương tiện dạy học.
- Ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu, logic, sinh động, biểu cảm, không nói ngọng, nói lắp.
- Trang phục đúng quy định, tác phong sư phạm.
- Trình bày bảng rõ ràng, khoa học, bố cục hợp lý.
d) Tổ chức
- Hình thức tổ chức hoạt động linh hoạt, phù hợp lứa tuổi và cá nhân HS. Tổ chức tốt các hoạt động học tập, phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo của HS.
- Làm chủ các hoạt động trên lớp; khả năng bao quát, quản lý lớp tốt; xử lý tốt và linh hoạt, kịp thời các tình huống sư phạm.
- Đảm bảo thời gian, phân bố thời gian hợp lí cho các hoạt động.
- HS được hướng dẫn và hiểu rõ nhiệm vụ, tích cực, chủ động trong các hoạt động học tập.
- HS được nhận xét, đánh giá, sửa lỗi kịp thời.
8. Ban Giám khảo, cách tính điểm và giải thưởng
8.1. Ban Giám khảo
Ban Giám khảo gồm 7 thành viên trong đó có 01 Trưởng Ban Giám khảo. Giúp việc Ban Giám khảo có 03 Thư ký.
8.2. Phương pháp đánh giá và cho điểm
Từng thành viên Ban Giám khảo cho điểm độc lập và công khai ngay sau khi các đội hoàn thành các nội dung thi.
Thư ký Ban Giám khảo chịu trách nhiệm tổng hợp và tính kết quả cuối cùng cho mỗi đội.
8.3. Cách tính điểm
- Điểm của 04 nội dung thi (Chào hỏi, Hiểu biết sư phạm, Xử lý tình huống sư phạm, Hùng biện) được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ 0,5. Điểm của 02 nội dung thi (Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Thi giảng) được chấm theo thang điểm 20, điểm lẻ 0,5. Trong 20 điểm có: 5 điểm cho phần giáo án/thiết kế hoạt động, 15 điểm cho phần thi giảng/trình diễn trên sân khấu.
- Điểm thi của từng đội ở từng nội dung thi là điểm trung bình cộng của các thành viên Ban Giám khảo. Khi có Giám khảo chấm lệch so với điểm trung bình cộng nêu trên lớn hơn 2 điểm thì sẽ bỏ điểm chấm lệch đó và điểm thi được tính là điểm trung bình cộng của các Giám khảo còn lại.
8.4. Giải thưởng
- Cơ cấu giải thưởng: Có các giải cho từng nội dung thi.
- Cách tính giải: Giải cho từng nội dung thi: Điểm thi của từng nội dung được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp để xếp giải thưởng (trong trường hợp có nhiều đội thi bằng điểm nhau thì tính nhiều giải Nhất).
12/08/2022
02/03/2022